Dinh dưỡng phòng Covid-19 cho trẻ từ 6 -36 tháng tuổi
Quay lại Bản in Yahoo
Đây là lứa tuổi trẻ mọc răng sữa và ăn mềm. Trẻ bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm, ăn sam) cùng với bú mẹ. Thức ăn bổ sung của trẻ sẽ tăng dần độ thô, độ cứng, độ đặc theo tuổi.

  • Trẻ từ trên 6 tháng tuổi đến trên 7 tháng tuổi: sau khi trẻ tròn 6 tháng tuổi, bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn bổ sung, thường bắt đầu bằng bột lỏng. Cần tập cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, ăn từ lỏng đến đặc. Bổ sung thêm 1-2 lần nước hoa quả và duy trì bú mẹ 6-8 lần/ ngày hoặc sữa công thức 700-800 ml/ ngày nếu mẹ không có sữa.

  • Trẻ từ 8-9 tháng: trẻ đã có răng, cần tập cho trẻ phản xạ nhai, vì vậy cần tập cho trẻ ăn bột đặc hơn và thô hơn. Trẻ cần được tập ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, tuy nhiên các bữa bột cần được thay đổi thực phẩm thường xuyên. Thức ăn nên được ăn cả cái để đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm, chất xơ, các vitamin và các chất khoáng có vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể. Trẻ bú mẹ 5-6 lần/ ngày, 2- 3 bữa bột đặc 10% (200 ml/ bữa với cá/ thịt/ trứng: 20-25g/ bữa; rau xanh: 10-20 g/ bữa, dầu/ mỡ: 7-10 ml/ bữa). Bổ sung thêm 1-2 bữa quả nghiền, sữa chua, phô mai.

  • Trẻ từ 10-12 tháng: trẻ có thể ăn thô tốt hơn, chuyển sang chế độ cháo. Tiếp tục bú mẹ 4-5 lần/ ngày, 3-4 bữa cháo (cá, thịt, trứng: 20-25 g; rau xanh: 20g/ bữa, dầu, mỡ: 7-10 ml/bữa). Bổ sung 1-2 bữa quả chín, sữa chua, phô mai.

  • Trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: bú mẹ, 3-4 bữa cháo đặc (200-250 ml/ bữa), sau 18 tháng tuổi có thể tập ăn cơm nát. Bổ sung 1-2 bữa quả chín cắt lát mỏng, sữa chua, phô mai.

  • Trẻ từ 24 đến 36 tháng: trẻ ăn 3 bữa cơm chính cùng gia đình, mỗi bữa ăn bao gồm 30-40 g thực phẩm giàu đạm, 25-30 g rau lá, rau củ quả. Bữa phụ trẻ có thể ăn trái cây/ quả chín, sữa và chế phẩm sữa.

Nguồn: Trích từ Cuốn Hướng dẫn dinh dưỡng dự phòng Covid-19 - Viện Dinh dưỡng

Cập nhật: 14/04/2021
Lượt xem: 786
Lên trên