Một số nguyên tắc dinh dưỡng cần chú ý cho trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp
Quay lại Bản in Yahoo

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nhiễm khuẩn hô hấp (NKHH) được chia làm 2 loại là NKHH trên và NKHH dưới. NKHH trên gồm: Viêm mũi họng, viêm Amidal, viêm VA, viêm tai giữa. NKHH dưới gồm: Viêm thanh-khí-phế quản, viêm phổi, viêm phế quản phổi.

Nguyên nhân của nhiễm khuẩn hô hấp cấp có thể là do nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm vi rút.

Thường gặp ở những trẻ đẻ non, cân nặng sơ sinh thấp, suy dinh dưỡng; hoặc trẻ được nuôi dưỡng trong những gia đình có điều kiện vệ sinh kém, các gia đình có kinh tế khó khăn. Với các triệu chứng: ho, sốt, có thể chảy nước mũi, khi bị viêm phổi: thở nhanh, co rút lồng ngực, trẻ dưới 2 tháng: nhịp thở ≥ 60 lần/phút, trẻ 2-12 tháng: Thở nhanh, nhịp thở ≥ 50 lần/phút, trẻ trên 12 tháng: Thở nhanh, nhịp thở ≥ 40 lần/phút, nghe phổi có ran ẩm.

Nếu bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ thấy trẻ có dấu hiệu trên cần cho trẻ đến thăm khám để có hướng dẫn điều trị phù hợp.

Về nguyên tắc dinh dưỡng cha mẹ cần chú ý như sau:

Trẻ 0-5 tháng: bú mẹ hoàn toàn, nuôi con bằng sữa mẹ. Trẻ bị ho, khó thở có thể khó bú, biếng ăn hoặc nôn trớ vì vậy cần tăng số lần cho bú, nghỉ giữa bữa bú, có thể vắt sữa cho ăn bằng thìa, tăng lượng sữa dần dần tùy dung nạp, đáp ứng của trẻ. Hướng dẫn các biện pháp đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con bú.

Trẻ từ 6 tháng - 23 tháng: đánh giá những thay đổi chế độ ăn của trẻ khi bị bệnh như số bữa ăn, số lượng ăn mỗi bữa, ai cho trẻ ăn, cho ăn như thế nào. Hướng dẫn bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, và ăn bổ sung hợp lý. Thức ăn như bột, cháo nấu loãng hơn bình thường, nhưng vẫn đảm bảo đa dạng thực phẩm đặc biệt vẫn cho dầu mỡ, và cho trẻ ăn làm nhiều bữa.


Nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm và lỏng hơn bình thường trong thời gian trẻ nhiễm khuẩn hô hấp

Giai đoạn toàn phát: trẻ có thể có sốt cao, ho, khó thở đảm bảo lượng nước cung cấp cho trẻ bằng cách bú mẹ, sữa công thức nếu không đủ sữa mẹ, các loại nước quả chín.

Giai đoạn lui bệnh: cho trẻ ăn nhiều bữa, ăn những thức ăn trẻ thích, tăng đậm độ năng lượng của bữa ăn bổ sung như tăng cường dầu mỡ, hóa lỏng bằng cách dùng bột mộng hoặc giá đỗ, men thủy phân tinh bột. Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của trẻ để trẻ không bị sụt cân, suy dinh dưỡng hoặc thiếu vi chất dinh dưỡng. Điều trị thiếu vi chất dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng (nếu có).

Trích từ Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng - Viện Dinh dưỡng
Cập nhật: 19/12/2021
Lượt xem: 2140
Lên trên