Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức hàng năm nhằm khẳng định vai trò quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ - mang lại cho trẻ em một sự khởi đầu cuộc sống khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào việc đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế và y tế của quốc gia. Năm nay, năm 2016 chúng ta càng có lý do để tổ chức Tuần lễ này khi toàn thế giới đều hướng tới thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Tháng 9/2015, cộng đồng thế giới đã thống nhất các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 bao gồm xóa nạn đói, bảo vệ Trái đất, và đảm bảo cuộc sống thịnh vượng cho tất cả mọi người. Những mục tiêu này được áp dụng cho tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt nước có thu nhập thấp, thu nhập trung bình hay thu nhập cao bởi vì đây không phải là sứ mệnh của riêng một quốc gia nào mà mỗi nơi đều có những cơ hội riêng để tạo ra những tác động tích cực.
Mới đây, Tạp chí Lancet, một ấn phẩm uy tín trong lĩnh vực y tế trên toàn cầu, đã công bố chi tiết nghiên cứu cho thấy các bằng chứng, tác động và cơ hội mới nhất có được từ việc nuôi con bằng sữa mẹ tối ưu. Kết quả nghiên cứu không chỉ minh chứng cho những lợi ích to lớn mà nuôi con bằng sữa mẹ đem lại, mà còn chỉ ra tiềm năng thúc đẩy các quốc gia hướng tới thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững nhanh hơn.
Khi Việt Nam ủng hộ nuôi con bằng sữa mẹ, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang trực tiếp thực hiện các mục tiêu xóa bỏ nạn đói, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện tình trạng bất bình đẳng (Mục tiêu số 1, 8 và 10). Trên phạm vi toàn cầu, chi phí đi kèm với tình trạng giảm khả năng nhận thức do không được nuôi bằng sữa mẹ một cách tối ưu lên tới 300 tỉ đô-la Mỹ mỗi năm, chiếm 0,49% tổng thu nhập quốc nội của toàn thế giới. Về mặt y tế, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp tiết kiệm hàng tỉ đô la chi phí chăm sóc mỗi năm thông qua việc giảm số ca nhập viện vì các bệnh nhiễm khuẩn. Sữa mẹ cũng tham gia vào chuỗi cung cấp thực phẩm bền vững khi đáp ứng 100% nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong sáu tháng đầu đời, đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi; và 1/3 nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi.
Ở Việt Nam, một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng chúng ta có thể tiết kiệm được 70.400.000 đô-la Mỹ tổn thất hàng năm nếu thực hành nuôi con bằng sữa mẹ được cải thiện, từ đó nâng cao chất lượng học tập và năng suất lao động của trẻ sau này. Hơn nữa, chúng ta cũng có thể tiết kiệm được 23.260.000 đô-la Mỹ chi phí y tế hàng năm nếu xóa bỏ được hoàn toàn bệnh tiêu chảy và viêm phổi gây ra từ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ chưa tối ưu. (Nghiên cứu về chi phí do không nuôi con bằng sữa mẹ - A&T) Chúng tôi cho rằng một trong những ví dụ tốt nhất minh chứng cho tầm quan trọng của những khoảnh khắc đầu đời đối với sự phát triển nguồn lực con người sau này là khi trẻ sơ sinh lần đầu tiên được đặt lên ngực mẹ - “Cái ôm đầu tiên”.
Để đạt được mục tiêu xóa bỏ nạn đói và cải thiện sức khỏe, tầm vóc của người dân ở tất cả các độ tuổi (Mục tiêu số 2 và 3) phụ thuộc rất lớn vào chăm sóc dinh dưỡng tốt cho trẻ ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời. Trên thế giới, nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những can thiệp hàng đầu giúp giảm tử vong trẻ dưới năm tuổi, với tiềm năng cứu sống 820,000 trẻ mỗi năm. Đồng thời, can thiệp này cũng giúp giảm tình trạng béo phì và tiêu chảy sau này, và có thể ngăn chặn hơn 20,000 ca tử vong bà mẹ hàng năm do ung thư vú.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ em có được nền tảng cần thiết để đạt được trình độ học vấn tốt (Mục tiêu số 4) thông qua việc đảm bảo dinh dưỡng tốt cho não bộ để khởi đầu thành công. Trẻ được bú mẹ cũng có chỉ số thông minh (IQ) cao hơn khoảng 3 điểm, và khả năng nhận thức tốt hơn giúp tăng năng suất lao động và thu nhập sau này.
Mục tiêu bình đẳng giới (Mục tiêu số 5) có thể đạt được khi phụ nữ tự chủ tốt hơn trong vấn đề sinh sản. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp phụ nữ kéo dài thời gian có kinh trở lại sau khi sinh và giãn khoảng cách giữa các lần sinh – từ đó giúp nhiều phụ nữ có thể đến trường, theo đuổi sự nghiệp và tạo ra một xã hội bình đẳng hơn. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp bà mẹ nhanh trở lại hình thể như trước sinh, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.
Cuối cùng, nuôi con bằng sữa mẹ giúp đảm bảo chuỗi tiêu thụ bền vững và cải thiện môi trường sống trên đất liền (Mục tiêu số 12 và 15). Sữa mẹ là nguồn tài nguyên có thể tái tạo và không gây ô nhiễm – không giống như sữa công thức phải tiêu tốn nhiên liệu để sản xuất và vật liệu để đóng gói.
Trong xã hội của tất cả các loài động vật có vú, chu kỳ sinh sản bao gồm cả việc mang thai và cho con bú – nếu như không có phần cho con bú, không một loài nào (kể cả con người) có thể sống sót. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 24.3% trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời và chỉ có 21.7 % trẻ được bú đến hai tuổi (MISC Việt Nam 2014 – UNICEF).
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong nỗ lực hỗ trợ bà mẹ cho con bú đặc biệt là cuộc bỏ phiếu lịch sử của quốc hội đối với Luật Lao động nhằm tăng thời gian nghỉ thai sản lên sáu tháng và Luật quảng cáo cấm quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng thay thế sữa mẹ cho trẻ đến 24 tháng tuổi. Tiếp theo đó là sự ra đời của các văn bản hướng dẫn thi hành, bao gồm Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 06/11/2014 về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo; Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 1/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ trong đó có quy định thiết lập phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
|
GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ Trưởng Bộ Y tế |
Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiếp tục phát huy những thành công đó thông qua việc đảm bảo thực thi hiệu quả các chính sách này. Toàn bộ người lao động phải được tạo điều kiện tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc. Mọi cá nhân, tổ chức đều có trách nhiệm tuân thủ quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo. Việc đầu tư vun đắp một nền văn hóa nuôi con bằng sữa mẹ vững mạnh cần bắt đầu tại các cơ sở y tế, nơi bà mẹ và gia đình được hỗ trợ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ tối ưu trước khi trẻ chào đời.
Rất hiếm khi chúng ta thấy có một can thiệp nào có thể áp dụng cho tất cả mọi gia đình, đồng thời đóng góp đáng kể cho nhiều chỉ tiêu của mục tiêu phát triển bền vững và các chỉ tiêu về sức khỏe. Nuôi con bằng sữa mẹ chính là cơ hội hiếm có. Đây là can thiệp không tốn kém, khả thi, bình đẳng và có tác động lớn mà chúng ta đang tìm kiếm để có thể phát triển bền vững. Can thiệp này liên quan đến nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, bảo vệ xã hội, bảo vệ trẻ em, thương mại – và riêng điều đó cũng cho thấy đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ các cơ quan lập pháp, hành pháp đến các doanh nghiệp và cộng đồng trong việc hiện thực hóa can thiệp này - đảm bảo mọi trẻ em đều được nuôi bằng sữa mẹ một cách tối ưu nhất.
Tham khảo:
http://worldbreastfeedingweek.org/
http://www.un.org.vn/images/stories/press_center/2015/MICS_VIET_NAM_2014_ENG_310815.pdf
http://heapol.oxfordjournals.org/content/early/2016/04/23/heapol.czw044.full
http://aliveandthrive.org/wp-content/uploads/2016/02/Cost-of-Not-Breastfeeding-Advocacy-Brief-Final.pdf
GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ Trưởng Bộ Y tế