Định hướng chiến lược dinh dưỡng nhằm vào 1000 ngày vàng
Quay lại Bản in Yahoo

1. Tăng cường đầu tư cho các can thiệp đã được chứng minh hiệu quả, chi phí thấp có thể cứu được mạng sống cho trẻ và phòng chống thấp còi.

Suy dinh dưỡng và tử vong trẻ em có thể phòng chống được bằng các giải pháp tương đối đơn giản và không quá tốn kém. Bổ sung sắt giúp trẻ tăng cường khả năng phòng bệnh, giảm tử vong mẹ khi sinh, góp phần dự phòng sinh non và sinh trẻ nhẹ cân. Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng khả năng sống còn của trẻ lên đến 6 lần. Ăn bổ sung đúng thời điểm và hợp lý giúp trẻ tăng trưởng đúng tiềm năng, không bị thấp còi. Vitamin A phòng mù lòa và giảm nguy cơ tử vong của trẻ do các bệnh thông thường. Kẽm và thực hành vệ sinh phòng tử vong của trẻ do tiêu chảy.

2. Sử dụng mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng/ y tế thôn bản để tiếp cận đến các đối tượng dễ bị tổn thương.

Cộng tác viên dinh dưỡng là những cán bộ cộng đồng quan trọng trong việc đưa các can thiệp dinh dưỡng nói trên đến bà mẹ và trẻ em là đối tượng đích của chương trình. Chính phủ và các nhà tài trợ cần hợp tác để có thể duy trì đội ngũ cộng tác viên đầy đủ năng lực và nhiệt tình để hoạt động ngày càng hiệu quả thông qua việc tập huấn nâng cao năng lực và chế độ đãi ngộ phù hợp, đặc biệt với những cán bộ công tác tại những địa bàn khó khăn.

3. Tăng cường sự hỗ trợ của chính phủ và các nhà tài trợ.

Nhằm phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển (như Mục tiêu Thiên niên kỷ) đã được cộng đồng quốc tế và các quốc gia thành viên cam kết thực hiện hướng tới giảm tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em, các quốc gia cần ưu tiên các hành động nhằm giảm suy dinh dưỡng và thấp còi. Các chỉ tiêu dinh dưỡng cần được xây dựng và thực hiện trong các chương trình quốc gia về dinh dưỡng và y tế cũng như được đưa vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Liên hợp quốc và Cộng đồng quốc tế khuyến khích các quốc gia có gánh nặng dinh dưỡng gia nhập Phong trào mở rộng dinh dưỡng (Scaling – Up Nutrition/ SUN). Đây là phong trào được Liên hợp quốc khởi xướng từ năm 2010 và hiện tại đã có hơn 60 nước tham gia nhằm tăng cường sự cam kết của các quốc gia để đẩy mạnh tiến độ giảm suy dinh dưỡng và thấp còi. SUN hướng tới việc thực hiện các can thiệp dinh dưỡng hiệu quả và lồng ghép mục tiêu dinh dưỡng vào liên ngành – y tế, bảo trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp và phát triển quốc gia, tập trung vào cửa sổ cơ hội trong 1000 ngày vàng.

4. Tăng cường hợp tác với khối tư nhân để cải thiện dinh dưỡng, cho bà mẹ và trẻ em.

Chế độ ăn hiện tại còn chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho trẻ em 6 – 24 tháng. Khối tư nhân có thể tham gia thông qua việc sản xuất và tiếp thị các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng với giá cả hợp ly. Sự hợp tác có thể được thiết lập giữa các nhà sản xuất, phân phối và các bộ ngành chính phủ để tăng cường sự lựa chọn sản phẩm, khả năng tiếp cận, giá thành, tuân thủ các điều luật và tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, và tăng cường giáo dục cộng đồng về các thực hành dinh dưỡng hợp lý và sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng tại địa phương. Ngành công nghiệp thực phẩm có thể đầu tư cho các chương trình can thiệp và nghiên cứu dinh dưỡng, thông qua tiếp thị xã hội khuyến khích các hành vi sức khỏe lành mạnh, và vận động chính phủ tăng cường đầu tư cho dinh dưỡng.

5. Tăng cường các luật lệ, chính sách và hành động hỗ trợ dinh dưỡng.

Các chính sách hỗ trợ dinh dưỡng của Chính phủ đã và đang tạo nên một môi trường thuận lợi để các thực hành dinh dưỡng tối ưu được bảo vệ, như Luật lao động sửa đổi quy định thời gian nghỉ thai sản tăng từ 4 tháng lên 6 tháng hay Nghị định 100/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo tại Việt Nam. Việc ra đời và thực thi được các luật lệ chính sách này cần có sự vận động và lộ trình phù hợp với sự hợp tác từ các cơ quan chính phủ làm công tác quản lý, nghiên cứu, triển khai các chương trình y tế, dinh dưỡng cùng với các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ, đi theo định hướng các khuyến nghị, luật lệ quốc gia và quốc tế.

Thủ tướng đã có Qu‎yết định số 226/QĐ-TTg ngày 22/2/2012 phê duyệt Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với quan điểm cải thiện tình trạng dinh dưỡng là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mọi người dân và mục tiêu chung là cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là thể thấp còi. Trong các giải pháp kỹ thuật, chiến lược có đề cập đến các can thiệp đặc hiệu vào 1000 ngày đầu bao gồm chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và ăn bổ sung hợp l‎ý cho trẻ dưới 2 tuổi; cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em (thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia về Y tế) đang được triển khai cũng bao gồm các hoạt động can thiệp tập trung vào nhóm đối tượng và thời điểm này. Trong năm 2015, Chiến lược dinh dưỡng Quốc gia sẽ thực hiện đánh giá giữa kỳ để sơ kết công tác triển khai cũng như rút ra những bài học cho chu kỳ tiếp theo. Với điểm nhấn của 1000 ngày vàng, các chỉ tiêu dinh dưỡng về hoạt động cũng như đầu ra liên quan đến can thiệp cần thu thập để đánh giá chương trình. Trong chu kỳ tới, ngoài các can thiệp định hướng 1000 ngày vàng, cần tiếp tục duy trì và củng cố hệ thống cán bộ dinh dưỡng ở tuyến cơ sở, đặc biệt sau việc luân chuyển và tái cơ cấu tổ chức của hệ thống y tế dự phòng, tăng cường việc huy động nguồn lực tại chỗ và các nhà tài trợ tiềm năng cho dinh dưỡng, hợp tác với khối tư nhân, song song với việc xây dựng và củng cố các chính sách luật lệ liên quan đến dinh dưỡng để thu hút đầu tư cho dinh dưỡng có hiệu quả nhưng cũng giữ gìn được lề an toàn cho các thực hành dinh dưỡng theo khuyến nghị.

Nguồn: trích từ Tạp chí Dinh dưỡng & thực phẩm (Tập 11 - số 1 - tháng 2 năm 2015 - 1000 Ngày vàng - Cơ hội đừng bỏ lỡ) - PGS. TS Lê Danh Tuyên, TS. Huỳnh Nam Phương 

Cập nhật: 03/10/2017
Lượt xem: 15668
Lên trên