Thông điệp và thông tin chính về Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2017
Quay lại Bản in Yahoo

Kinh nghiệm nuôi trẻ sơ sinh tối ưu nhất – Nuôi con bằng sữa mẹ có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển mạnh khỏe của trẻ sơ sinh và có tác động quan trọng đối với sức khỏe bà mẹ. Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) và Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khuyến nghị:

  • Bắt đầu cho trẻ bú sữa mẹ sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là cách tối ưu nhất để nuôi trẻ sơ sinh. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn – nghĩa là trẻ sơ sinh chỉ ăn sữa mẹ mà không ăn hay uống bất kỳ thực phẩm nào, kể cả nước
  • Cho trẻ bú sữa mẹ theo nhu cầu của trẻ
  • Không dùng bình sữa, núm vú cao su hay núm vú giả
  • Sau 6 tháng, trẻ sơ sinh cần được ăn thức ăn bổ sung và vẫn tiếp tục bú sữa mẹ đến khi 2 tuổi hoặc hơn nữa.

Nuôi con bằng sữa mẹ là đầu tư thông minh – vào sức khỏe của trẻ em và sự thịnh vượng của quốc gia

  • Cải thiện tỷ lệ trẻ em được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời có thể cứu sống 520.000 trẻ em trong vòng 10 năm tới.[i]
  • Cải thiện nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu sống được 2.011 trẻ em Việt Nam mỗi năm.1
  • Ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ trẻ em được bú sữa mẹ hoàn toàn cao hơn có thể giúp nâng cao cơ hội sống và khả năng nhận thức của trẻ em – giúp trẻ em có khả năng làm việc với thu nhập tốt hơn khi trưởng thành
  • Từ đó, những quốc gia này có thể chứng kiến kinh tế tăng trưởng 300 tỷ đô la Mỹ đến năm 2025.2
  • Ở Việt Nam, cải thiện nuôi con bằng sữa mẹ có thể tiết kiệm 23,36 triệu đô la Mỹ chi tiêu cho hệ thống y tế mỗi năm do giảm điều trị các bệnh liên quan đến trẻ em.1
  • Ở Việt Nam, cải thiện nuôi con bằng sữa mẹ có thể tránh được sự thất thoát khoảng 70,400,000 đô la Mỹ lương hàng năm bằng cách cải thiện khả năng học tập của trẻ em.1
  • Mỗi một đồng đô la Mỹ đầu tư vào nuôi con bằng sữa mẹ đem về khoảng 35 đô la Mỹ cho nền kinh tế của quốc gia.[ii]


Nuôi con bằng sữa mẹ đem lại sự khởi đầu công bằng cho mọi trẻ em

  • Cho trẻ bú mẹ sớm có liên quan đến tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp hơn.[iii]
  • Khi cho con bú, bà mẹ truyền hệ thống miễn dịch của mình cho con, giúp tạo ra một chiếc ô bảo vệ trẻ trong suốt quá trình hệ thống miễn dịch của trẻ phát triển.4
  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn trong thời gian càng dài thì càng ít mắc các bệnh truyền nhiễm và tử vong hơn so với trẻ em chỉ được bú sữa mẹ trong khoảng thời gian ngắn hơn hoặc không được bú sữa mẹ.[iv]
  • Trẻ em được bú sữa mẹ trong khoảng thời gian dài hơn cũng góp phần giảm nguy cơ trẻ bị thừa cân hay béo phì.5

  • Nuôi con bằng sữa mẹ góp phần tăng chỉ số IQ của trẻ lên từ 3 đến 4 điểm 5

  • Hỗ trợ các bà mẹ cho con bú có thể giúp giảm một nửa tỷ lệ mắc tiêu chảy và giảm một phần ba các nhiễm khuẩn đường hô hấp.5


Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ đơn giản là việc của phụ nữ mà còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng, cán bộ y tế, người sử dụng lao động và chính phủ.

  • Các nhân viên y tế có thể tạo ảnh hưởng đối với thói quen nuôi con bằng sữa mẹ ở những thời điểm quan trọng, tuy nhiên, nhiều nhân viên còn thiếu kiến thức và kỹ năng để hỗ trợ những phụ nữ muốn cho con bú.[v]
  • Các can thiệp tại cộng đồng như tư vấn và giáo dục nhóm có thể tăng 86% việc bà mẹ cho trẻ bú sớm.6
  • Công việc là một trong những rào cản chính đối với nuôi con bằng sữa mẹ và góp phần khiến bà mẹ quyết định cai sữa sớm.6
  • Một nghiên cứu về nuôi con bằng sữa mẹ chỉ ra rằng những can thiệp như nghỉ thai sản, hỗ trợ tại nơi làm việc giúp tăng 30% tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ.[vi]
  • Ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, chi tiêu hàng năm cho việc thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ chỉ là 85 triệu đô la Mỹ (cho các nhà tài trợ) và khoảng 250 đô la Mỹ (cho các chính phủ).[vii]
  • Chi phí mẫu của một chiến lược nuôi con bằng sữa mẹ trên phạm vi toàn quốc ở Việt Nam là 30,13 triệu đô la Mỹ, bao gồm chi phí của các can thiệp và chi phí an sinh xã hội đảm bảo các lợi ích trong giai đoạn nghỉ thai sản được cải thiện.1


[i] Walters, Dylan et al., Vươn tới mục tiêu toàn cầu về nuôi con bằng sữa mẹ; Khuôn khổ đầu tư vì dinh dưỡng: Vươn tới những mục tiêu toàn cầu về suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu máu, nuôi con bằng sữa mẹ, và suy dinh dưỡng tính theo cân nặng so với chiều cao, soạn thảo bởi Shankar, Meera, et al., World Bank Group. Washington D.C, 2017.

[ii] Nuôi con bằng sữa mẹ toàn cầu, Giám sát tiến bộ đối với các chính sách và chương trình nuôi con bằng sữa mẹBảng xếp hạng nuôi con bằng sữa mẹ toàn cầu, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, New York, 2017.

[iii] Nhóm Nghiên cứu NEOVITA, ‘Thời điểm bắt đầu cho bú sớm, Hình thái nuôi con bằng sữa mẹ, và Sự sống còn của trẻ sơ sinh: Phân tích số liệu tập trung từ ba thí nghiệm ngẫu nhiên’, Tạp chí Sức khỏe Toàn cầu Lancet, tập số 4, số 4, Tháng 4- 2016,

[iv]Victora, Cesar, G., et al., ‘Nuôi con bằng sữa mẹ trong thế kỷ 21: Dịch tễ học, cơ chế và tác động suốt đời’, The Lancet, 2016, tập số 387

[v] Rollins, Nigel, C., et al., ‘Tại sao lại đầu tư, và Cần phải làm gì để cải thiện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ?’, The Lancet, 2016, tập số 387

[vi] Sinha, Bireshwar, et al., ‘Các can thiệp để cải thiện các kết quả nuôi con bằng sữa mẹ: Rà soát hệ thống và phân tích’, Acta Paediatrica, số 104

[vii] D'Alimonte, Mary Rose, Hilary Rogers và David de Ferranti, ‘Hỗ trợ tài chính cho các mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu’ trong Khuôn khổ đầu tư về dinh dưỡng: Vươn tới những mục tiêu toàn cầu về suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu máu, nuôi con bằng sữa mẹ, và suy dinh dưỡng tính theo cân nặng so với chiều cao, soạn thảo bởi Shankar, Meera, et al., World Bank Group. Washington D.C, Tháng 4-2017.

Cập nhật: 05/10/2017
Lượt xem: 5330
Lên trên