Chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ thời kỳ có thai
Quay lại Bản in Yahoo

Chế độ dinh dưỡng có mức độ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Dinh dưỡng tốt, không chỉ giúp người mẹ đáp ứng đầy đủ các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của cơ thể, mà còn đáp ứng những thay đổi sinh lý về chuyển hóa, tích lũy mỡ, tăng cân, khối lượng tử cung do mang thai.

Dinh dưỡng hợp lý khi mang thai sẽ giúp người mẹ có đủ dự trữ cần thiết để có đủ sữa sau sinh. Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất trong những tháng đầu đời của trẻ. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng, cách ăn uống của người phụ nữ khi mang thai đặc biệt quan trọng, mỗi người phụ nữ cần quan tâm tới khẩu phần ăn của mình lúc mang thai một cách khoa học, đạt được mức tăng cân nặng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai.

Mức tăng cân trong thai kỳ: Tăng cân là biểu hiện tích cực cho thấy sự phát triển của thai nhi, tăng cân của người mẹ lúc mang thai phụ thuộc vào giai đoạn thai kỳ và tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai.

Tình trạng dinh dưỡng tốt: (BMI: 18.5 – 24.9): Mức tăng cân của người mẹ nên đạt là 10 – 12kg. Mức tăng cân cụ thể như sau:

  • 3 tháng đầu (Quý I): 1 kg

  • 3 tháng giữa (quý II): 4  - 5 kg

  • 3 tháng cuối (quý III): 5 – 6 kg


Tình trạng dinh dưỡng gầy (BMI < 18.5): mức tăng cân nên đạt 25% cân nặng trước khi có thai.

Tình trạng dinh dưỡng thừa cân – béo phì  (BMI lớn hơn hoặc bằng 25): Mức tăng cân nên đạt 15% cân nặng trước khi có thai.

Tăng đáp ứng năng lượng cho bà mẹ khi có thai: nhu cầu về năng lượng của bà mẹ khi có thai tăng lên so với chưa mang thai do hoạt động chuyển hóa trong cơ thể tăng, trọng lượng cơ thể tăng… Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng năm 2016 thì nhu cầu năng lượng khuyến nghị của phụ nữ tuổi sinh đẻ như sau:

Nhóm tuổi

Nhu cầu năng lượng

HĐTL nhẹ

HĐTL trung bình

HĐTL nặng

15 – 19 tuổi

2.110

2380

2650

20 – 29 tuổi

1760

2050

2340

30 – 49 tuổi

1730

2010

2300

Phụ nữ có thai 3 tháng đầu

+ 50

Phụ nữ có thai 3 tháng giữa

+ 250

Phụ nữ có thai 3 tháng cuối

+ 450

Phụ nữ cho con bú

+ 500


Tăng cường bổ sung dinh dưỡng thông qua đa dạng thực phẩm:

Bổ sung chất đạm, chất béo giúp xây dựng và phát triển cơ thể thai nhi: Ngoài cơm (và lương thực khác) ăn đủ no, bữa ăn của bà mẹ có thai cần bổ sung thêm chất đạm, chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Trước hết cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn sẵn có như: cá, trứng, tôm, cua, thịt, đậu đỗ các loại (đậu tương, đậu xanh…) và vừng, lạc. Nếu có điều kiện nên cố gắng uống thêm sữa. Chất đạm đặc biệt quan trọng ở 3 tháng đầu cho việc tạo hình và xây dựng các tổ chức nội tạng trong cơ thể như: tim, gan, phổi và nhất là tế bào thần kinh.

Chất khoáng và vitamin giúp thai nhi phát triển và đáp ứng nhu cầu cho người mẹ:

Canxi: Có vai trò quan trọng tham gia cấu tạo khung xương cho thai nhi và đảm bảo cho nhu cầu canxi của thai phụ. Khi có thai, nhu cầu canxi tăng cao hơn khi chưa mang thai.

Phụ nữ mang thai thiếu canxi có thể thấy mệt mỏi, đau nhức bắp cơ, tê chân, đau lưng, đau khớp, răng tưởng như lung lay, chuột rút, nặng hơn nữa thì lên cơn co giật do hạ canxi huyết quá mức mà biểu hiện đặc trưng là co giật các cơ mặt và chi trên với bàn tay co rúm….Đối với thai, thiếu canxi sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng ngay khi còn trong bụng mẹ, bị còi xương bẩm sinh, biến dạng các xương gây dị hình, sinh ra có chiều cao thấp…

Sắt: Tham gia quá trình tạo máu, có nhiều trong thịt màu đỏ, trứng, trong đậu đỗ các loại, vừng lạc và các rau củ màu xanh đậm. Sắt do các thức ăn động vật cung cấp dễ hấp thu hơn nguồn sắt từ các thực vật. Lượng vitamin C và chất đạm trong khẩu phần làm tăng khả năng hấp thu sắt, ngược lại tanin và phytat lại cản trở sự hấp thu sắt.

Kẽm: Tham gia vào phát triển chiều cao của trẻ từ trong bào thai và tăng miễn dịch cho trẻ. Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá, thủy hải sản, đặc biệt là nhuyễn thể như: ốc, hến, trai, trùng trục hay nghêu sò…Các thức ăn thực vật cũng có kẽm nhưng hàm lượng thấp và hấp thu kém.


Acid folic: Tham gia tạo máu và hình thành ống thần kinh. Nếu người phụ nữ khi mang thai không đủ nhu cầu acid folic, trẻ sinh ra dễ bị dị dạng ống thần kinh. Nguồn cung cấp acid folic có nhiều trong các trái cây, rau xanh, trứng nhưng trong khẩu phần thường không đủ, vì vậy người mẹ cần được bổ sung khi mang thai.


Nguồn: trích từ cuốn Chăm sóc Dinh dưỡng cho Bà mẹ & trẻ em - Viện Dinh dưỡng (2015)


Cập nhật: 25/08/2017
Lượt xem: 1561
Lên trên