Nhu cầu chất béo (lipid) với phụ nữ trong thời kỳ có thai

Chất béo trong chế độ ăn là nguồn năng lượng quan trọng (1g chất béo cung cấp 9 Kcal), cung cấp và hỗ trợ cho việc hấp thu các loại vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K). Giá trị sinh học của các chất béo tan trong dầu phụ thuộc vào khả năng hấp thụ chất béo của cơ thể. Ăn quá ít chất béo trong bữa ăn hàng ngày có thể ảnh hưởng đến chức năng nhiều cơ quan tổ chức như não bộ và hệ thần kinh. Ăn quá nhiều chất béo có thể dẫn đến thừa cân, béo phì, có liên quan đến bệnh mạn tính không lây và hội chứng rối loạn chuyển hóa. Trong điều kiện hiện nay, nhu cầu chất béo đối với phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ nói chung cần đạt 20 -25% năng lượng của khẩu phần ăn. Phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú nhu cầu năng lượng từ chất béo có thể đạt ở mức cao hơn (20-30% năng lượng của khẩu phần ăn). Phụ nữ có thai 3 tháng đầu cần ăn lượng chất béo từ 46,5 – 58,5g/ngày, 3 tháng giữa 47,5 – 62,5g/ngày; 3 tháng cuối 55 – 67g/ngày. Phụ nữ cho con bú cần ăn chất béo 55 – 60g/ngày.


Có hai loại chất béo: Chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa. Chất béo bão hòa (no) có trong thịt động vật và ít giá trị hơn so với chất béo không bão hòa (không no) có trong dầu thực vật và cá.

Chất béo bão hòa có trong thịt động vật như: thịt lợn, gà, vịt...

Chất béo bão hòa không nên vượt quá 10% khẩu phần ăn. Do vậy, bà mẹ mang thai hoặc đang cho con bú nên tăng cường sử dụng các loại dầu thực vật và hạn chế ăn các loại mỡ động vật.

Chất béo không bão hòa có trong dầu thực vật và cá

Chất béo không bão hòa (như axit linoleic, decosa-hexaenoic và các axit béo không no khác) cần đạt 11 – 15% năng lượng khẩu phần ăn vì chúng rất quan trọng cho sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi nhất là chất béo không bão hòa chuỗi dài như omega 3, DHA, ARA.



Nguồn: trích từ cuốn Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời - Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội phụ sản Việt Nam