Những lưu ý về dinh dưỡng đối với thai phụ bị tiền sản giật

Tiền sản giật là sự xuất hiện cao huyết áp với protein niệu và/ hoặc phù, do thai nghén hoặc ảnh hưởng của một thai nghén rất gần. Tiền sản giật, sản giật thường xảy ra sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ và chấm dứt sau 6 tuần sau đẻ. Tuy nhiên, tiền sản giật nặng có thể phát triển sớm trước thời điểm đó với sự hiện diện của bệnh lá nuôi.

Trước đây người ta thường gọi là nhiễm độc thai nghén, hội chứng protein niệu, nhưng ngày nay người ta nhận thấy chính huyết áp cao đã gây nên các biến chứng trầm trọng cho mẹ và thai nhi và là triệu chứng thường gặp nhất. Tiền sản giật xảy ra khoảng 5-10 % và sản giật chiếm khoảng 0,2- 0,5% trong tổng số thai nghén.

1. Chế độ ăn trong tiền sản giật


Nhu cầu năng lượng: 

  • 3 tháng đầu thai kỳ: E= 30-35 kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày +50 kcal

  • 3 tháng giữa thai kỳ: E= 30-35 kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày + 250 kcal

  • 3 tháng cuối thai kỳ: E= 30-35 kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày + 450 kcal

Trong đó: 


  • Glucid: 55-60%

  • Protein : 15-20% (protein động vật > 50%)

  • Lipid: 20-25%: (acid béo không no chiếm 2/3)

  • Tăng cường chất xơ: 28g/ ngày

  • Muối: < 6g/ ngày. 2-3 g / ngày ở những tháng cuối thai kỳ

  • Đầy đủ vitamin và vi chất dinh dưỡng: Sắt, acid folic, Ca, Mg

  • Lượng nước hàng ngày rút bớt so với hàng ngày không quá 1 lít.

2. Lựa chọn thực phẩm 


Thực phẩm nên dùng

  • Các loại gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn, bún, phở, bánh đúc...(nên chọn các loại gạo lức, bánh mì đen hoặc ngũ cốc ngũ cốc xay xát dối thay cho gạo trắng, bún, phở, bánh đúc, .....)

  • Các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật ít béo, giàu sắt và can xi như thịt nạc, cá nạc, tôm, cá nhỏ ăn cả xương, cua .....

  • Các chất béo bao gồm bơ động vật, dầu oliu, dầu nành, dầu điều, dầu mè, dầu hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt điều, trứng, thực phẩm đậu nành,quả óc chó và omega-3 được tìm thấy trong cá béo

  • Ăn đa dạng các loại rau xanh, đặc biệt các loại rau có tính nhuận tràng như rau khoai lang, rau mồng tơi, rau đay (400- 600g/ngày)

  • Ăn đa dạng các loại quả (nên ăn thanh long, cam, bưởi, đu đủ chín, chuối...)

  • Các loại sữa ít béo và các sản phẩm chế biến từ sữa như sữa chua.



Thực phẩm hạn chế dùng:

  •      Phủ tạng động vật: như tim, gan, cật (thận)

  •      Mỡ động vật, bơ

  •      Một số gia vị cay nóng như: Hạt tiêu, gừng, ớt

  •      Các loại bánh kẹo ngọt, mứt chứa nhiều đường, các loại nước ngọt 

Thực phẩm không nên dùng:

  • Thực phẩm chế biến sẵn như: Ngũ cốc ăn sáng, mì ăn liền, giò chả, lạp xưởng, đồ hộp, mì chính, bột ngọt, hạt nêm.

  • Dưa, cà muối.

  • Các loại quả sấy khô.

  • Rượu, bia, nước ngọt có đường, đồ uống có ga...

  • Thực phẩm sống (thịt sống, trứng trần...), gỏi


3. Chế biến thực phẩm:

  • Hạn chế các món rán, quay, xào.

  • Hạn chế sử dụng các loại quả ép, xay sinh tố; nên ăn cả múi, miếng để có chất xơ.
         
Nguồn: Trích từ Hướng dẫn quốc gia Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú - Bộ Y tế, 2017