Thông cáo báo chí Hưởng ứng Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2017

Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2017 nhấn mạnh

tầm quan trọng của quan hệ hợp tác nhằm thu được những lợi ích về

sức khỏe và kinh tế mà nuôi con bằng sữa mẹ đem lại

Hà Nội, ngày 1 tháng 8 năm 2017 – Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2017 bắt đầu từ hôm nay với chủ đề “Cùng nhau duy trì nuôi con bằng sữa mẹ”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và những đối tác khác để thúc đẩy các chính sách và chương trình nhằm cải thiện nuôi con bằng sữa mẹ.

“Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ đơn giản là việc của phụ nữ mà đòi hỏi phải có sự khuyến khích và hỗ trợ từ các cán bộ tư vấn, thành viên gia đình, nhân viên chăm sóc y tế, người sử dụng lao động, nhà hoạch định chính sách và những đối tác khác. Chúng tôi cam kết hợp tác với tất cả các bên để tạo ra môi trường thuận lợi giúp phụ nữ và trẻ em phát triển khỏe mạnh” - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết.

Bằng chứng của thế giới được thực hiện gần đây cho thấy cải thiện các hoạt động nuôi con bằng sữa mẹ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tạp chí Lancet 2016 về nuôi con bằng sữa mẹ phát hiện rằng nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm chi phí y tế và góp phần tạo nên một lực lượng lao động mạnh mẽ hơn. Cái giá phải trả cho khả năng nhận thức thấp hơn của trẻ do không được bú sữa mẹ lên đến khoảng 300 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm 0,49 tổng thu nhập quốc dân. Nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế học y tế hàng đầu trong báo cáo Tổn thất từ việc không nuôi con bằng sữa mẹ ở Đông Nam Á[i], với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Dự án Alive & Thrive, ước tính nuôi con bằng sữa mẹ tối ưu ở Việt Nam có thể tiết kiệm được 23,36 triệu đô la Mỹ mỗi năm cho hệ thống y tế do điều trị các bệnh nhi, đồng thời tránh thất thoát khoảng 70,4 triệu đô la Mỹ quỹ lương hàng năm nếu cải thiện được khả năng học tập của trẻ.

Tuy nhiên, trên thế giới, chỉ 40% trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn (sữa mẹ là thức ăn duy nhất) trong sáu tháng đầu đời. Đây là thông tin được đưa ra theo Bảng xếp hạng nuôi con bằng sữa mẹ toàn cầu, một báo cáo mới được UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm nay. Chỉ 23 quốc gia có tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trên 60%.

Một phân tích mới chỉ ra rằng chỉ cần đầu tư mỗi năm 4,70 đô la Mỹ cho một trẻ sơ sinh là đã giúp tăng tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đối với trẻ dưới sáu tháng tuổi lên 50% đến năm 2025. Tiến sỹ Friday Nwaigwe, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển trẻ em của UNICEF Việt Nam, cho biết “Phân tích mới của chúng tôi cho thấy rằng nếu đạt được mục tiêu này chúng ta có thể cứu sống 520.000 trẻ em dưới 5 tuổi và có khả năng tạo ra 300 tỷ đô la Mỹ cho tăng trưởng kinh tế trong 10 năm tới vì bệnh tật và chi phí chăm sóc y tế giảm và năng suất lao động tăng. Tại Việt Nam, cải thiện nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu 2.011 trẻ em mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới năm tuổi.1

Để kỷ niệm Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ, Viện Dinh dưỡng, Dự án Alive & Thrive và Đại học Bách Khoa Hà Nội đã giới thiệu chương trình đào tạo trực tuyến đầu tiên về nuôi dưỡng trẻ nhỏ vào ngày 31 tháng 7 năm 2017. Các bài giảng được xây dựng dựa trên giáo trình tập huấn đã được Bộ Y tế duyệt và có thể cấp chứng chỉ cho những nhân viên y tế đang và sẽ làm công tác tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Chương trình đào tạo bao gồm 20 chủ đề với thời lượng kéo dài 48 tiếng.


“Các nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bài bản cho các gia đình những kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung để trẻ có được sức khỏe và sự phát triển tối ưu. Khóa học trực tuyến mang tính đổi mới và tương tác này đem lại cho người học trên khắp Việt Nam cơ hội tìm hiểu trực tuyến những kiến thức và kỹ năng mới từ các chuyên gia qua máy tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Phương cách này rất thuận tiện với người học, tiết kiệm thời gian và chi phí, đảm bảo tính bền vững và nhân rộng so với các phương pháp học truyền thống”, Ông Roger Mathisen, Giám đốc Chương trình của Alive & Thrive khu vực Đông Nam Á chia sẻ. Khóa học trực tuyến có thể được tiếp cận từ trang web: http://mattroibetho.vn/ hoặc trực tiếp truy cập http://elearning.mattroibetho.vn/.


UNICEF đã và đang hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc nuôi con hoàn toàn và liên tục bằng sữa mẹ tại nơi làm việc, thể hiện cam kết thực hiện Quyền Trẻ em và Các nguyên tắc kinh doanh. UNICEF Việt Nam và iCare Benefits, một doanh nghiệp xã hội đang cung cấp cho nhân viên của mình những chương trình hữu ích tại nơi làm việc, sẽ phát động một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức và thực hành nuôi con hoàn toàn và liên tục bằng sữa mẹ cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ tại các nhà máy. Chiến dịch này hướng tới hai triệu thành viên của iCare ở Việt Nam, phần lớn trong số họ là công nhân di cư và đang làm mẹ. Chiến dịch cũng sẽ kêu gọi sự tham gia của lãnh đạo nhà máy đối với những nội dung này.

Khảo sát của chúng tôi đối với công nhân nhà máy hồi tháng 5 năm 2017 cho thấy mặc dù lao động cũng có nhận thức phần nào về tầm quan trọng của nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, song việc duy trì thói quen nuôi con hoàn toàn và liên tục bằng sữa mẹ sau kỳ nghỉ thai sản vẫn thực sự là một thách thức với những người phụ nữ mới làm mẹ. Do đó bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho những công nhân mới làm mẹ và đang mang thai về tầm quan trọng của nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và liên tục, cách vắt và bảo quản sữa mẹ, chúng tôi cũng sẽ vận động Công đoàn và bộ phận Nhân sự trong việc triển khai những công cụ và chính sách mới, ví dụ như trang bị dụng cụ vắt sữa và cải thiện việc tiếp cận phòng vắt sữa cho nữ công nhân. Các công ty và lãnh đạo công ty cần phải hỗ trợ những lao động nữ nhập cư,” Ông Trung Dung, Giám đốc điều hành và Người sáng lập iCare Benefits chia sẻ.

Nuôi con bằng sữa mẹ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc đạt được nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững, giúp cải thiện dinh dưỡng (Mục tiêu Phát triển Bền vững số 2 – Xóa đói), phòng ngừa tử vong trẻ em và giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm (Mục tiêu Phát triển Bền vững số 3 – Sức khỏe tốt và Cuộc sống hạnh phúc) và hỗ trợ phát triển nhận thức và giáo dục (Mục tiêu Phát triển Bền vững số 4 – Giáo dục chất lượng). Nuôi con bằng sữa mẹ cũng góp phần xóa nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

  • Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc – Trung tâm Đào tạo Dinh dưỡng và Thực phẩm – Viện Dinh dưỡng (ĐT: 84-24-39724031, Email: hnphuong@gmail.com)
  • Bà Vũ Thị Thu Hà, Chuyên gia Quan hệ công chúng và Vận động Chính sách, Dự án Alive & Thrive (ĐT: 84(0)93 663 0589; Email: vha@fhi360.org)
  • Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chuyên gia Truyền thông, Phòng Truyền thông, UNICEF Việt Nam (ĐT: 84-24-35581474; Email: ntthuong@unicef.org)


[i] Walters, Dylan et al., Tổn thất từ việc không nuôi con bằng sữa mẹ ở Đông Nam Á. Chính sách và kế hoạch y tế, 2016